Nghị quyết Đại hội Đảng XIII xác định phát triển ba đột phá chiến lược: Xây dựng thể chế, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng.
Nghị quyết cũng đặt mục tiêu tới năm 2030, cả nước phải có ít nhất 5.000km cao tốc, trong khi từ năm 2000 - 2021, cả nước mới hoàn thành được gần 1.100km cao tốc.
Ngay sau Đại hội Đảng XIII, Bộ GTVT đã ban hành Chương trình hành động của Bộ GTVT, xác định những nhiệm vụ và đề ra giải pháp, quyết tâm thực hiện.
Được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành, địa phương; sự đồng thuận, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, ngành GTVT đã nỗ lực khắc phục khó khăn để cơ bản hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng kiểm tra tình hình thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu ngày 14/4. Ảnh: Tạ Hải
Kỳ 1: Thay đổi tư duy, đột phá phát triển cao tốc
Để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 cả nước có 5.000km cao tốc, đến 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thời gian qua, cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần vướng đâu gỡ ngay đấy.
Nhờ vậy, chỉ trong 2,5 năm đã hoàn thành được gần 1.000km cao tốc, bằng hàng chục năm trước cộng lại.
Sự quyết liệt của Quốc hội và Chính phủ
Tháng 1/2022, tại kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV đã chốt đầu tư thêm 729km cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Tháng 6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội tiếp tục thông qua chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông quan trọng, gồm đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Vành đai 3 TP.HCM; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Cùng với đó, Quốc hội cũng thông qua hàng loạt cơ chế đặc thù cho đầu tư hạ tầng giao thông, giúp rút ngắn các quy trình thủ tục, cho phép phân cấp phân quyền để đẩy nhanh tiến độ các dự án...
Chia sẻ với Báo Giao thông, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu, dành nhiều nguồn lực, thời gian, công sức, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông.
Cả cơ quan lập pháp và hành pháp đều tập trung, nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục đầu tư các dự án giao thông trọng điểm.
“Có thể thấy rất rõ sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy tiến độ, tháo gỡ vướng mắc các dự án đã và đang triển khai.
Trong nửa nhiệm kỳ khóa XV vừa qua, đã có tới 3 kỳ họp bất thường. Ngoài những quyết định về công tác nhân sự, Quốc hội đã có những quyết sách quan trọng về phát triển hạ tầng giao thông”, ông Hòa nói và dẫn chứng, điển hình là cơ chế giao Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 – 2025; cơ chế cho địa phương thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, giúp việc GPMB được nhanh, kịp thời hơn.
Lần đầu tiên, một Ban Chỉ đạo Nhà nước về các dự án giao thông tầm quốc gia được thành lập, do Thủ tướng làm Trưởng ban để tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, kết nối các công việc, theo dõi, đôn đốc, thúc đẩy, đề xuất xử lý các vướng mắc.
“Thực sự, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt, từ đó việc triển khai xây dựng hạ tầng giao thông đã có những đột phá”, ông Hòa nói.
Rốt ráo gỡ vướng nguồn vật liệu
Có một câu chuyện không thể không nhắc đến là khi triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam, vấn đề vật liệu phục vụ thi công gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Trần Phương, Phó cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, là cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, Cục đã luôn chủ động trong việc tham mưu cho Bộ TN&MT các văn bản tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách nói chung, trong đó có vướng mắc đối với việc cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp phục vụ dự án giao thông trọng điểm.
“Nhiều dự án được triển khai với tổng khối lượng tăng gấp nhiều lần giai đoạn trước đó. Điều này làm tăng đột biến nhu cầu sử dụng vật liệu trong thời gian ngắn, gây áp lực lớn đến nguồn cung. Việc kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc có tác động tích cực, giảm sức nóng về nguồn cung và điều tiết giá cả trên thị trường”, ông Phương nói.
Theo ông Phương, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (trước đây), Cục Khoáng sản Việt Nam đã tham mưu Bộ TN&MT báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, sửa đổi bổ sung tại Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020.
Nghị quyết cho phép các tỉnh có dự án đi qua được áp dụng một số cơ chế đặc thù trong việc không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tăng công suất các mỏ mà không phải điều chỉnh dự án đầu tư, không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường; được triển khai đồng thời một số thủ tục để đẩy nhanh tiến độ cấp phép.
Tiếp đó, Bộ TN&MT đã có các văn bản hướng dẫn các địa phương có liên quan, làm rõ về quy trình, thủ tục lập hồ sơ.
Ông Phương chia sẻ, được sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo, các chính sách, cơ chế được ban hành nhanh chóng và lập tức được triển khai thực hiện, đi vào cuộc sống.
Từ kinh nghiệm gỡ vướng vật liệu làm cao tốc, Bộ TN&MT đang lấy ý kiến về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn Luật Khoáng sản (trình Chính phủ trong tháng 6/2023), trong đó có những cơ chế chính sách để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc đang phát sinh trong thực tế; trình tự, thủ tục cấp phép, thăm dò, khai thác… sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với hiện nay.
Làm ngày đêm, quên ăn quên ngủ
Trong hơn 2,5 năm qua, ngành GTVT đã khánh thành, đưa vào hoạt động hơn 1.000km đường cao tốc, tốc độ phát triển bằng hơn 20 năm trước cộng lại (Trong ảnh: Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 vừa được khánh thành ngày 29/4) Ảnh: Tạ Hải
64 dự án phải triển khai năm 2023 là nhiệm vụ được Bộ GTVT xác lập trong giai đoạn 2021 - 2025.
Đáp ứng yêu cầu trên, trong suốt thời gian dài, nhiều phòng làm việc tại trụ sở số 80 Trần Hưng Đạo sáng đèn đến nửa đêm để phối hợp hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án mới.
“Riêng với anh em Cục Quản ý đầu tư xây dựng gần như phải tập trung toàn lực, toàn thời gian với cơ quan. Mỗi ngày làm việc tại cơ quan trung bình khoảng 15 tiếng (từ khoảng 7h sáng đến 10h đêm), có những hôm chúng tôi còn phải ngủ lại vì khối lượng hồ sơ quá lớn”, ông Thái Bá Thuy, Trưởng phòng Quản lý xây dựng 3 chia sẻ khi nhớ về khoảng thời gian chạy đua thẩm định loạt dự án trọng điểm.
Được giao phụ trách thẩm định hai dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, ông Thuy vẫn không quên được áp lực thời điểm ấy, Phòng QLDA 3 đang đồng thời được phân công loạt dự án như: Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Trong khi đó, yêu cầu đặt ra đến ngày 30/6, toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc giai đoạn 2 phải được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, nghĩa là từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 18 đến lúc phê duyệt chỉ hơn 4,5 tháng.
Thời gian tổ chức thực hiện công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn xong các nhà thầu thi công cũng chỉ khoảng 6 tháng.
Thông thường, thời gian cho công tác chuẩn bị phê duyệt dự án nhanh cũng khoảng 1 - 1,5 năm; công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán cũng tương tự.
Với dự án cao tốc Bắc - Nam, một số dự án như Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột tiến độ triển khai cũng rất gấp. Thời gian thực hiện công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi chưa đầy 6 tháng; thời gian tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán chỉ khoảng 5 tháng nhằm đáp ứng thời gian khởi công trong tháng 6/2023.
Theo ông Thuy, đứng trước thách thức này, Bộ GTVT đã ban hành biểu tiến độ chi tiết theo từng ngày và yêu cầu các chủ đầu tư/ban QLDA, cơ quan đơn vị liên quan phải thực hiện cho bằng được.
Những cuộc hội ý và kiểm điểm tiến độ thường xuyên diễn ra, bất cứ khâu nào chậm tiến độ dù chỉ một ngày cũng phải kiểm điểm, đôn đốc ngay bằng văn bản, thậm chí lãnh đạo Cục sẽ trực tiếp gọi điện cho Ban QLDA.
Tiến độ gấp, nguyên tắc “vừa chạy, vừa xếp hàng” được lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo xuyên suốt quá trình triển khai.
Công tác thẩm tra, thẩm định phải được thực hiện đồng thời, song song cùng với giai đoạn thiết kế, xem xét, rà soát hồ sơ ngay từ bản thiết kế “mộc” trên file mềm.
“Sự rốt ráo cùng cách làm đột phá ấy bước đầu gặt hái được kết quả tích cực với sự kiện khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam vào đầu năm 2023 theo đúng yêu cầu của Chính phủ”, ông Thuy nói.
Đột phá giao nhiệm vụ chủ đầu tư
Tối ưu thời gian triển khai dự án, một trong những giải pháp đột phá được Bộ GTVT thực hiện chính là giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các Ban QLDA.
Một lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long cho biết, từ khoảng giữa năm 2022, các Ban QLDA bắt đầu được giao làm chủ đầu tư các dự án.
Áp lực nhất với các Ban QLDA ở thời điểm ấy là phải sắp xếp lại tổ chức, xác định, phân quyền rõ ràng đâu là bên trình, bên thẩm định, bên mời thầu, bên chủ đầu tư để tránh tình trạng “vừa đánh trống vừa thổi kèn”.
Căn cứ vào thực tiễn triển khai, các phòng dự án khi ấy được phân công làm nhiệm vụ như của Ban QLDA trước đó; lãnh đạo ban là chủ đầu tư, các phòng chuyên môn như: Phòng Kỹ thuật - Thẩm định, Kế hoạch - Tổng hợp, Tài chính... đóng vai trò là các phòng tham mưu cho chủ đầu tư.
“Sắm vai chủ đầu tư, vai trò, trách nhiệm của Ban QLDA được nâng cao rất nhiều khi đảm nhận những công việc trước đó là thẩm quyền của Bộ GTVT (thẩm định, phê duyệt, quyết định). Phòng chuyên môn trong ban cũng đồng thời phải thẩm định từ đơn giá, thiết kế…
Song, sự phân vai này cũng giúp tiến độ xử lý hồ sơ được nhanh hơn, kịp thời hơn. Bất cứ vấn đề nào vướng mắc, người trình có thể giải trình ngay với người thẩm định.
Thời gian xử lý cũng được tối ưu khi dự án Ban QLDA nào phụ trách, Ban ấy xử lý thay vì Cục Quản lý xây dựng phải phụ trách rất nhiều dự án, một người phụ trách dự án của nhiều ban ở thời điểm Bộ GTVT làm chủ đầu tư”, lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long nói.
Dẫn chứng cụ thể hơn, vị này cho biết, nếu ngày trước, đối với hạng mục phát sinh, trên cơ sở báo cáo của ban điều hành hiện trường, Ban QLDA sẽ báo cáo Bộ GTVT. Sau đó, Cục Quản lý xây dựng thẩm định rồi mới trình Thứ trưởng quyết định.
Khi Ban làm chủ đầu tư, hạng mục phát sinh chỉ cần ban điều hành trình phòng tham mưu để Giám đốc Ban QLDA ra quyết định ngay. Thời gian được rút ngắn khoảng một nửa.
Hay đối với công tác lựa chọn nhà thầu, trường hợp Bộ GTVT làm chủ đầu tư, công tác này phải qua nhiều bước, thời gian mất ít nhất một tuần. Tuy nhiên, khi Ban QLDA là chủ đầu tư, thời gian được rút ngắn một nửa so với trước.
Hành trình vượt khó chưa từng có
Là một trong những nhà thầu tham gia thi công nhiều dự án lớn, trong đó có hai dự án Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây mới được đưa vào khai thác, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho rằng, chưa bao giờ ngành GTVT có sự quyết tâm cao như thời gian qua.
Theo ông Khôi, việc hoàn thành các dự án là hành trình vượt qua quá nhiều khó khăn chưa từng có trong lịch sử, nhất là sự càn quét của “bão giá” vật liệu.
Chưa bao giờ nhà thầu bị rơi vào cảnh có tiền không mua được vật liệu thi công, chuyện đơn vị thi công phải đi thương thảo, bù thêm 3.000 đồng mỗi lít dầu để lấy được hàng. Biến động giá vật liệu khiến đơn giá thi công bị đội lên từ 25 - 30% so với giá bỏ thầu.
“Thách thức là rất lớn nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, bằng uy tín và năng lực tự thân của doanh nghiệp, Phương Thành đã nỗ lực cân đối, không để công trường bị gián đoạn, đáp ứng cam kết đưa dự án về đích đúng tiến độ”, ông Khôi chia sẻ.
Nói về quá trình “vượt bão” của các dự án cao tốc trong hơn 2 năm qua, lãnh đạo Phương Thành Tranconsin cũng đặc biệt ấn tượng với sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của người đứng đầu Bộ GTVT.
Còn nhớ, thời điểm Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng về Bộ GTVT (tháng 10/2022), dự án Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây mới đạt khoảng 50 - 60% giá trị hợp đồng.
Kiểm tra hiện trường tháo gỡ khó khăn, có những việc vượt ngoài khả năng của Thứ trưởng phụ trách, Ban QLDA, tư vấn, nhà thầu, Bộ trưởng đã trực tiếp làm việc, báo cáo Chính phủ, làm việc với các địa phương tìm hướng tháo gỡ cơ chế. Chỉ trong 7 tháng sau đó, các nhà thầu đã hoàn thành 40 - 45% khối lượng công việc còn lại. Đó là một kỷ lục về tiến độ.
“Ngay cả giai đoạn cuối cùng các mỏ đất đắp hết hạn cấp phép đặc thù theo Nghị quyết 60 của Chính phủ, nếu lãnh đạo Bộ GTVT không làm việc với các địa phương, kiến nghị Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành thì dự án Phan Thiết - Dầu Giây không thể về đích dịp 30/4.
Nếu không có sự quyết liệt của Bộ GTVT, một số nhà thầu có thể kéo dài thời gian thi công lâu hơn nữa với lý do dịch bệnh, bão giá.
Cần phải nói thêm, trong chỉ đạo điều hành, người đứng đầu Bộ GTVT cũng rất khéo léo với chính sách “cây gậy và củ cà rốt”.
Nhà thầu làm tốt Bộ GTVT đồng hành tháo gỡ khó khăn; nhà thầu nào không quyết tâm cố gắng thì không được phép tham gia vào các dự án mới. Viêc khích lệ song hành cùng răn đe đã thôi thúc các nhà thầu tích cực thi công hơn”, ông Khôi chia sẻ thêm.
Nam Khánh
from https://trungtamdaybongda.vn/
Nhận xét
Đăng nhận xét