Thấy gì từ việc Trung Quốc bơm tiền tấn làm hạ tầng?

Trung Quốc chi hàng nghìn tỷ nhân dân tệ cho các cơ sở hạ tầng quan trọng, từ các dự án giao thông quy mô lớn, cơ sở tích trữ nước hoành tráng cho đến các chương trình phát triển năng lượng tái tạo.

Kỷ lục xây đường cao tốc

Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ có khoảng 200.000km đường sắt bao gồm 70.000km đường sắt cao tốc hoàn thành vào năm 2035

Theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), Trung Quốc đang bơm hàng nghìn tỷ nhân dân tệ vào đầu tư hạ tầng - một gói kích thích có lợi cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Đây cũng được xem là sự bù đắp tổn thất sau những quy định hạn chế phòng dịch Covid-19 và sự chững lại của thị trường bất động sản.

Hiện tại, tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc liên tục tăng nhanh, tăng trưởng từ mức 8,3% trong tháng 8 lên 8,6% trong tháng 9.

Hãng tin Bloomberg nhận định, trong ngắn hạn, đầu tư hạ tầng có thể là cú huých tạo ra nhiều công việc, “giải cơn khát” việc làm của hàng triệu người trong bối cảnh suy thoái kinh tế.

Về dài hạn, gói kích thích này sẽ giúp hiện thực hóa tham vọng của Trung Quốc để trở thành nền kinh tế thu nhập cao, có thể cạnh tranh với Mỹ trong các lĩnh vực kỹ thuật cao như chíp bán dẫn.

Tờ Bưu điện Hoa Nam đã chỉ ra dòng chảy của hàng nghìn tỷ nhân dân tệ mà Trung Quốc đổ vào những dự án hạ tầng để thúc đẩy kinh tế.

Trước hết là về hạ tầng giao thông, từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, nước này đã đầu tư 2,34 nghìn tỷ nhân dân tệ vào các dự án, bao gồm cả đường cao tốc và đường sắt mới.

Tính đến cuối tháng 8, có hơn 240 tuyến đường cao tốc và đường siêu tốc được xây dựng mới trên khắp Trung Quốc.

Một trong những dự án đó là tuyến đường cao tốc mới dài 294km dọc theo biên giới Tân Cương và tỉnh Thanh Hải, kết nối khu tự trị Duy Ngô Nhĩ với hệ thống đường cao tốc của Trung Quốc.

Chỉ riêng ở tỉnh Tứ Xuyên, đã có tới 10 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài lên tới 935km được khởi công trong quý 3 năm nay. Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc gọi đây là kỷ lục của khu vực này.

Tiếp đó, trong tháng 9, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đã thông báo khởi công xây dựng một đoạn quan trọng của đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Hùng An - Thương Khâu.

Tuyến đường sắt dài 552km đánh dấu sự phát triển của tân khu Hùng An - một quận đô thị mới cách Bắc Kinh 100km - nơi được Chủ tịch Tập Cận Bình chọn để phát triển thành “thành phố trong mơ” mới của Trung Quốc.

Tổng cộng có 25 dự án đường sắt đang được triển khai và những dự án này sẽ bổ sung thêm 5.300km chiều dài đường sắt của Trung Quốc - cả đường sắt thông thường và đường sắt cao tốc.

Quốc gia này đặt mục tiêu sẽ có khoảng 200.000km đường sắt bao gồm 70.000km đường sắt cao tốc hoàn thành vào năm 2035.

Phát triển mạng lưới ngầm

Nhà ga đường sắt cao tốc tại tân khu Hùng An

Dòng chảy thứ hai là về các dự án mạng lưới đường ống ngầm cho điện, nước, nhiệt, khí đốt và viễn thông ở các thành phố.

Ông Dou Yong, người đứng đầu Nhóm nghiên cứu về xây dựng mạng lưới đường ống ngầm đô thị tại Trung tâm giao dịch kinh tế quốc tế Trung Quốc nhận định, khi mức độ đô thị hóa của Trung Quốc tăng lên, việc xây dựng các hành lang tích hợp ngầm sẽ mang lại nhu cầu đầu tư trung bình mỗi năm hàng tỷ nhân dân tệ. Chỉ riêng nửa đầu năm 2022 đã ghi nhận 68 dự án đường ống ngầm như vậy phát triển.

Vào cuối tháng 2, thành phố Trùng Khánh ở Tây Nam Trung Quốc đã hoàn thành 164,9km đường ống ngầm, với tổng vốn đầu tư 7,08 tỷ nhân dân tệ. Đến cuối năm 2025, thành phố gần 17 triệu dân này dự kiến ​​có 815km đường ống ngầm tích hợp.

Bên cạnh đó, trong một năm phải chịu đựng nắng nóng kỷ lục và hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, giới chức Trung Quốc đã quan tâm nhiều hơn tới các dự án tích trữ nước.

Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cho biết đã có tới 703,6 tỷ nhân dân tệ (98 tỷ USD) được đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng bảo đảm nước trong 8 tháng đầu năm 2022 - tăng 63,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng cộng, toàn Trung Quốc đã xây dựng 19.000 dự án thủy lợi, trong đó 31 dự án được coi là có quy mô lớn.

Dự án vận chuyển nước Nam - Bắc đầy tham vọng của Trung Quốc, bao gồm một mạng lưới đường hầm dẫn nước ngầm từ sông Dương Tử đến miền Bắc Trung Quốc, đã khởi động, bắt đầu xây dựng tuyến hầm trung tâm mới vào tháng 7.

Một dự án lớn khác đang được tiến hành là Dự án phân bổ tài nguyên nước Quảng Đông- Vịnh Bắc bộ. Với tổng vốn đầu tư khoảng 60 tỷ nhân dân tệ, dự án này trải dài hơn 500km và sẽ cung cấp nước cho các thành phố dễ bị hạn hán ở các khu vực cực Tây của tỉnh Quảng Đông.

Dự án truyền dữ liệu Đông Tây

Dự án xây dựng một mạng xử lý dữ liệu mới, được gọi là “Dự án truyền dữ liệu Đông Tây”, đã bắt đầu vào năm nay. Siêu dự án này sẽ thu thập dữ liệu từ các trung tâm đô thị phát triển cao của miền Đông Trung Quốc và truyền đến khu vực phía Tây giàu tài nguyên hơn để xử lý.

Theo tờ Nhân dân Nhật báo, các nhà chức trách hy vọng dự án mới sẽ giúp phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở phía Tây tương ứng với phía Đông, đồng thời mở rộng hơn nữa nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc.

Kể từ năm 2015, tốc độ tăng trưởng dữ liệu của Trung Quốc đạt trung bình hơn 30% mỗi năm và số lượng trung tâm dữ liệu đã tăng từ 1,24 triệu vào năm 2015 lên 5 triệu trung tâm vào năm 2020, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Trong quý đầu tiên của năm nay, 25 dự án xây dựng liên quan đến mạng dữ liệu đã bắt đầu được triển khai tại 8 khu vực bao gồm: Khu vực Vịnh Lớn, vòng kinh tế Thành Đô - Trùng Khánh và Đồng bằng sông Dương Tử.

Nguồn tiền đầu tư vào các trung tâm dữ liệu lớn dự kiến sẽ tăng trưởng hơn 20% mỗi năm trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 tính đến năm 2025 của Trung Quốc.

Phát triển năng lượng tái tạo

Một hạng mục đầu tư khác rất được Trung Quốc quan tâm đó là năng lượng xanh và năng lượng tái tạo. Đây là trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu khí hậu vào năm 2060.

Do đó, Chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời mới ở các vùng phía Bắc.

Theo Hiệp hội Công nghiệp quang điện Trung Quốc, công suất năng lượng mặt trời của nước này đã tăng thêm 31 gigawatt chỉ trong nửa đầu năm nay và tăng 137% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại tỉnh Liêu Ninh, 6 dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn vừa được khởi công xây dựng vào tháng 9 với tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ nhân dân tệ.

Các dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng hạt nhân này dự kiến ​​sẽ tạo ra công suất phát điện tích lũy 60 gigawatt.

Ông He Lifeng, Giám đốc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này cũng đang có kế hoạch tăng cường thêm công suất năng lượng mặt trời và gió 450 gigawatt ở sa mạc Gobi và các vùng sa mạc phía Bắc khác.



from https://trungtamdaybongda.vn/

Nhận xét