Hiện, Nội Bài - Lào Cai vẫn nắm giữ kỷ lục là tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam.
Nắng Lào Cai, mưa dai Yên Bái…
Suốt 8 năm qua, anh Trần Văn Hảo có được niềm vui lớn khi cung đường từ nơi làm việc ở huyện Bát Xát, Lào Cai về quê tại huyện Trực Ninh, Nam Định không còn trắc trở và dài lê thê kể từ lúc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác.
Nhớ lại thời điểm trước năm 2014, anh Hảo kể: “Cứ nghĩ đến về quê là ngại bởi thời gian đi xe khách giường nằm lên Lào Cai không dưới 11 tiếng. Giờ thì khác, có cao tốc, thời gian di chuyển chặng Nam Định - Lào Cai chỉ còn khoảng 7 tiếng”.
Thi công đào đắp nền đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái vào cuối năm 2013
Thời gian được rút ngắn đáng kể, hành trình vận tải của phương tiện ngày càng êm thuận hơn. Song, ít ai biết, để xây dựng được tuyến cao tốc dài 245km mất ròng rã trong hơn 60 tháng liên tục của hàng ngàn kỹ sư, công nhân giao thông.
Trực tiếp tham gia quá trình thi công xây lắp gói thầu A1, A2 rồi 3 gói thầu khác thuộc dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, ấn tượng với ông Đào Quang Tuấn, Giám đốc Ban QLDA các đường cao tốc phía Bắc (Tổng công ty đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) là một khối lượng công việc khổng lồ.
“Tổng khối lượng đào đắp toàn tuyến lên đến hơn 100 triệu m3, trên 120 cầu”, ông Tuấn nhớ lại và cho biết, việc nhiều, khó khăn cũng đầy rẫy.
Thách thức đầu tiên sự khắc nghiệt của thời tiết. Người ta thường nói: “Nắng Lào Cai, mưa dai Yên Bái”. Trong điều kiện mùa hè của Lào Cai, những giờ gần buổi trưa và giữa buổi chiều, công nhân gần như bất lực với những trận nắng “đỏ lửa”.
Ở Yên Bái, “đặc sản” lại là mùa mưa kéo dài từ sau Tết đến tháng 8 âm lịch hàng năm, gây khó cho công tác đào đắp nền đường và thi công bê tông nhựa.
“Giai đoạn thi công ở Yên Bái, cứ 5h30 sáng hàng ngày, lãnh đạo lại sốt ruột gọi điện cập nhật tình hình thời tiết. Nếu không mưa, sản lượng thi công có thể vượt tiến độ để bù lại sản lượng những ngày khác. Câu nói “vượt nắng, thắng mưa” được lãnh đạo Bộ GTVT khích lệ cho toàn công trường dự án cũng từ đó mà ra”, ông Tuấn kể.
“Điều kiện đồi núi nhiều cũng là thách thức”, đại diện VEC nói và nhớ lại những ngày bắt đầu thực hiện phát quang hiện trường, từ những vị trí đặt máy đào đầu tiên nhìn xuống đường phía dưới, con trâu chỉ bé bằng ngón tay.
Có những vị trí trên tuyến như lý trình 209 trên địa bàn tỉnh Lào Cai chiều sâu đào từ đỉnh đồi xuống đỉnh đồi gần 100m, một quả đồi bị bạt gần 2/3.
Thi công những vị trí này, khó khăn nhất không phải là huy động nhân lực, máy móc mà là đưa ra giải pháp kỹ thuật ổn định mái dốc. Nếu chủ quan, mái taluy sẽ đối diện nguy cơ sạt trượt vào mùa mưa lũ.
“Nhớ nhất là thời gian đầu triển khai dự án, do là tuyến mới, việc tiếp cận nhiều vị trí phải đi theo đường mòn, đường đất nhỏ hẹp. Anh em kỹ sư thường phải xuất phát từ 5h sáng để vào công địa cách chừng 30 - 40km.
Nhà thầu thi công khó khăn hơn gấp nhiều lần. Có những chiếc máy đào, máy lu nặng hàng tấn hoặc phải chở bằng xe phoọc theo đường mòn vào vị trí thi công, hoặc buộc phải mở đường công vụ lấn dần để máy móc tiếp cận tuyến”, ông Tuấn kể.
Căng thẳng khối lượng GPMB khổng lồ
Thi công cấp phối đá dăm cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua tỉnh Yên Bái vào đầu năm 2014
Có tổng chiều dài 245km đi qua TP Hà Nội và 4 tỉnh (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai) với hàng trăm xã dọc tuyến, thời điểm triển khai, dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai có gần 25.000 hộ dân phải di dời.
Theo đại diện VEC, đứng trước khối lượng vô cùng lớn, công tác GPMB đã được quyết định tách riêng thành tiểu dự án giao cho các địa phương làm chủ đầu tư.
Việc bàn giao cọc GPMB được triển khai làm nhiều đợt. Hồ sơ thiết kế cọc GPMB được hoàn thiện, phê duyệt đến đâu sẽ bàn giao cho địa phương thực hiện thủ tục kiểm đếm, thu hồi, GPMB đến đó.
“Gói thầu nhỏ chỉ cần 1 đợt bàn giao nhưng có gói thầu lớn, địa hình trải dài lên đến 40km phải trải qua 4 đợt bàn giao để địa phương GPMB mới đủ điều kiện khởi công dự án.
Tổng thời gian đền bù GPMB kéo dài khoảng 9 năm. Tính đến thời điểm khởi công (2009), tỷ lệ mặt bằng được bàn giao đạt khoảng 80%”, đại diện VEC cho hay.
Kết quả là vậy, song, theo ông Đào Quang Tuấn, quá trình triển khai, không ít gói thầu vẫn vấp phải phản ứng dữ dội của người dân địa phương.
Phức tạp nhất là đoạn tuyến qua xã Tân An (Lào Cai) dài khoảng 8km, dù đa phần công địa đã được bàn giao cho nhà thầu nhưng người dân vẫn ra cản trở không cho máy móc thi công. Toàn công trường gói thầu gần như “đóng băng” từ giữa năm 2010 đến đầu năm 2011.
Trong hơn nửa năm ấy, cán bộ, kỹ sư chủ đầu tư chỉ có nhiệm vụ chính là phối hợp với địa phương thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng, có những buổi làm việc kéo dài tù sáng đến tối.
Khó khăn là thế, song, ngày 21/9/2014, khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được cắt băng khánh thành, đưa vào khai thác, tất cả kỹ sư, công nhân tham gia lại mang một sự tự hào đặc biệt.
Tiền đề hoàn chỉnh mạng lưới cao tốc miền ngược
Một lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Sao Việt cho biết, gần một thập kỷ trước, thời gian di chuyển của xe khách lên Lào Cai kéo dài tới 9 tiếng. Một xe container 40 feet mất đến 15 - 16 tiếng để đưa hàng hóa nông sản, thủy sản lên đến cửa khẩu Lào Cai thông qua QL70.
“Hiện nay, lưu thông trên cao tốc với vận tốc 80 - 100km/h, thời gian di chuyển của xe khách chỉ còn 5 tiếng, xe container 40 feet khoảng 6 - 7 tiếng”, vị này nói và cho biết, hiệu quả thời gian đã tạo động lực để công ty nâng số lượng phương tiện từ 10 - 15 xe khách lên 30 - 40 xe.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, không chỉ hiệu quả về thời gian, cao tốc Nội Bài - Lào Cai được xây dựng đã và đang hoàn chỉnh dần hệ thống đường nối xuống trung tâm các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ thuận lợi và tới đây là kết nối với tỉnh Tuyên Quang sẽ từng bước tạo một mạng lưới đường cao tốc khu vực miền núi phía Bắc hoàn chỉnh.
“Nói một cách khác, cao tốc Nội Bài - Lào Cai được xem như cao tốc hình mẫu ở miền núi, tạo tiền đề phát triển mạng lưới cao tốc lên miền ngược”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định, từ khi có tuyến cao tốc, TNGT trên tuyến đường đã giảm sâu đến 50 - 60%.
“Trên cơ sở đó, các cấp có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, tiếp tục nâng cấp mở rộng hoàn thiện 4 làn xe từ Yên Bái - Lào Cai để tiếp tục phát huy hiệu quả của tuyến cao tốc trong đảm bảo ATGT, tạo động lực phát triển kinh tế liên vùng và KT-XH các địa phương có tuyến cao tốc đi qua”, ông Hùng nói.
Xác lập nhiều kỷ lục
Tính đến nay, dù đi vào khai thác gần 1 thập kỷ, cao tốc Nội Bài - Lào Cai vẫn xác lập được nhiều kỷ lục:
- Là tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam (các gói thầu nằm trong một dự án, không phải chia dự án thành phần).
- Số lượng hộ dân phải di dời, GPMB lớn nhất: 25.000 hộ dân.
- Dự án có suất đầu tư thấp nhất, tổng mức đầu tư hơn 146 tỷ USD, suất đầu tư bình quân khoảng 6 triệu USD/km.
Thúc đẩy hoạt động vận tải phát triển
Theo thống kê của Sở GTVT Yên Bái, tháng 1/2016, tổng số phương tiện vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh có 9.860 chiếc.
Đến 31/3/2022, sau khoảng 8 năm cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác, tổng số phương tiện trên địa bàn tỉnh đã tăng lên 24.332 xe (tăng gấp 2,47 lần). Tại Lào Cai, năm 2014 có 207 đơn vị kinh doanh vận tải với 682 phương tiện. Sản lượng vận tải hành khách đường bộ đạt 4.574 người, sản lượng vận tải hàng hoá đường bộ đạt 5.046 nghìn tấn.
Đến ngày 13/7/2022, tổng số đơn vị kinh doanh vận tải là 3.178 đơn vị với 6.163 phương tiện (chưa tính các phương tiện được cấp phù hiệu tại địa bàn khác).
Yến Chi
from https://trungtamdaybongda.vn/
Nhận xét
Đăng nhận xét